Nâng Cao Hiệu Quả Nuôi Và Xúc Tiến Phát Triển Cá Rô Phi Thương Phẩm Tại Thành Phố Cần Thơ



  Nhằm mục tiêu nâng cao kỹ thuật và hiệu quả nuôi cá rô phi, đồng thời xúc tiến phát triển thị trường các rô phi thương phẩm tại thành phố Cần Thơ, ngày 25/06/2015 Trung tâm phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) đã phối hợp với trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Pukyong (Hàn Quốc) và công ty KBOR (Hàn Quốc) tổ chức buổi hội thảo “Báo cáo kết quả sơ bộ về việc nuôi thử nghiệm cá rô phi trong ao tại thành phố Cần Thơ”. Hội thảo có sự tham dự của ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ; cùng các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Pukyong (Hàn Quốc); đại diện Chi cục Thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đại diện các công ty Chế biến Thủy sản; các hộ nông dân nuôi cá; và đại diện Công ty KBOR (Hàn Quốc).

             Ông Dương Nghĩa Hiệp, phó Giám Đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ
phát biểu khai mạc hội thảo

Theo kết quả điều tra phân tích của tạp chí Thủy sản Việt Nam, cá rô phi đứng vị trí thứ 4 trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ mạnh nhất tại thị trường Mỹ năm 2010, dự đoán đến năm 2020, cá rô phi sẽ đứng đầu trong danh sách tiêu thụ này. Vì vậy, việc nuôi thử nghiệm cá rô phi là bước đi đúng đắn, nhằm hoàn thiện kỹ thuật nuôi trong ao, chuyển giao kỹ thuật nuôi cho người nông dân, từng bước nâng cao sản lượng cá rô phi, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tương lai, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Do đó, Công ty KBOR - Hàn Quốc kết hợp với Đại học Cần Thơ, Đại học Pukyong (Hàn Quốc) thực hiện dự án nuôi thử nghiệm cá rô phi trong ao và mô hình nuôi theo công nghệ Biofloc tại vùng nuôi Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu và trại thực nghiệm khoa Thủy sản cùng với việc nghiên cứu đánh giá thành phần thức ăn cho cá rô phi tại trường Đại học Quốc gia Pukyong (Hàn Quốc).

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các kết quả nghiên cứu và đều nhận định chung rằng việc phát triển cá rô phi ở khu vực ĐBSCL có nhiều thuận lợi vì diện tích vùng nuôi lớn, kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí thấp, tỉ lệ sống cao, khoảng chịu nhiệt rộng… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn như nguồn giống cá không đảm bảo, chất lượng cá bố mẹ còn thấp, đầu ra không ổn định; chủ yếu là tiêu thụ nội địa, kỹ thuật nuôi trồng còn đơn giản…Đặc biệt trong buổi hội thảo, PGs. Ts Trần Ngọc Hải, phó Trưởng khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ đã giới thiệu mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ Biofloc. Đây là công nghệ mới có thể áp dụng cho tất cả các vùng miền và nhiều đối tượng như tôm, cá ăn tạp. Công nghệ này có thể ứng dụng nuôi Thủy sản với mật độ siêu thâm canh.

 

 

             PGs.Ts Trần Ngọc Hải, phó Trưởng khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ giới thiệu mô hình thử nghiệm nuôi cá rô phi trên bể theo công nghệ Biofloc

Riêng đối với vấn đề thị trường tiêu thụ cá rô phi, Ông Park Woo Yong (Giám đốc điều hành công ty KBOR - Hàn Quốc) nhận định trong thời gian tới sản lượng tiêu thụ cá rô phi trên thế giới không ngừng tăng lên ở các thị trường Châu Âu, Nga, Châu Phi, Mexico, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, cần có thêm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cá rô phi tại Việt Nam, trong đó sự hỗ trợ của chính quyền đóng vai trò quan trọng.

Ông Park Woo Yong, Giám đốc Điều hành Công ty KBOR Co.Ltd (Hàn Quốc) trình bày về “Thị trường tiềm năng cho cá rô phi Việt Nam”

Buổi hội thảo đã mở ra nhiều triển vọng cho cá rô phi tại Cần Thơ và ĐBSCL trong tương lai. Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần phải tiếp tục triển khai các nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện kỹ thuật nuôi cá rô phi trong ao. Về mặt chính quyền, cần đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ cho người nông dân nuôi cá và các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, cần phải có biện pháp quản lý hiệu quả, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như mô hình cá tra trước đây.


THEO DÕI CHÚNG TÔI

VƯỜN ƯƠM CÔNG NGHỆ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - HÀN QUỐC

Địa chỉ: đường số 8, KCN Trà Nóc 2, P. Phước Thới, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ